Noob Weblog

Tranh chấp biển Đông: Thử tìm một giải pháp có lợi cho Việt Nam

Posted by noob trên Tháng Chín 17, 2008

Nhân vụ ExxonMobil, thử tìm một giải pháp có lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp hải phận Biển Đông và chủ quyền các đảo Trường Sa với Trung Quốc và các nước.

Tháng 7 năm 2008, tranh chấp chủ quyền biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc qua vụ ExxonMobil đã bước vào một giai đoạn vừa tế nhị lại vừa có tính quyết định. Tế nhị vì cho dầu biểu lộ những lập trường hết sức cứng rắn, hai bên đều không muốn (hay không thể ?) để việc tranh chấp trở thành một cuộc xung đột quân sự. Và có tính quyết định vì qua vụ tranh chấp, lập trường pháp lý cơ bản của hai bên cho thấy hiện hữu một giải pháp tạm thời, có thể có lợi cho phía Việt Nam trong trung hạn để khai thác dầu khí.

Trở lại vụ ExxonMobil : Đại công ty ExxonMobil của Hoa Kỳ đã ký thỏa ước khung về khai thác dầu khí với PetroVietnam nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm cuối tháng 6 năm 2008. Theo một thông cáo mới đây của tập đoàn này, hai phía đã có những hợp tác từ nhiều năm trước nhằm mục đích xác định các dự án có tiềm năng và hiện nay hai bên đang cùng đánh giá sơ bộ về kỹ thuật và kinh doanh một số vị trí ở ngoài khơi[1]. Thông cáo của ExxonMobil cho thấy các lô được nhượng quyền khai thác cho tập đoàn này đã được xác định là « có tiềm năng » (nhưng tiềm năng ước lượng là bao nhiêu thì không thấy nói !) và bắt đầu bước vào giai đoạn khai thác. Vị trí các lô này chưa được công bố cụ thể. Theo tuyên bố phía Việt Nam thì các lô này nằm trong « vùng kinh tế độc quyền » của Việt Nam, tức nằm trong vòng 200 hải lý (khoảng 370km) tính từ 24 hải lý[2] cách đường cơ bản[3]. Theo bản đồ công bố trên một số trang web thì ExxonMobil khai thác 2 vùng : một vùng ở phía nam cửa vịnh Bắc Việt, thuộc bãi trầm tích sông Hồng và một vùng giao tiếp ở phía nam của bãi Phú Khánh, phía Bắc của bãi Nam Côn Sơn. Theo tin tức ở một số báo chí thì vùng này thuộc vùng biển Trường Sa, là nơi hiện đang có tranh chấp giữa nhiều nước.

Lập tức phía Trung Quốc lên tiếng phản đối Việt Nam đồng thời hăm dọa ExxonMobil nếu không rút đi thì sẽ dùng những « biện pháp mạnh ». Theo tin báo chí trong vùng đăng ngày 23 tháng 7 thì Trung Quốc đã bắn súng hăm dọa nhân viên của ExxonMobil trên dàn khoan ở vị trí khai thác. Phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã xâm phạm « chủ quyền lãnh thổ » của Trung Quốc. Chỉ vài tháng trước, cũng vì sự hăm dọa của Trung Quốc, tập đoàn BP của Anh Quốc đã phải ngừng một số dự án khai thác và thăm dò dầu khí tại các lô mang số 5.2, 5.3, đặc biệt dự án đặt ống dẫn khí trị giá khoảng 2 tỉ đôla từ đây vào đất liền. Phát ngôn nhân của BP, ông David Nicholas, nói rằng hãng này thấy rằng “nên ngừng kế hoạch khảo sát địa chấn tại lô 5.2 để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề”. Được biết vùng khai thác của BP (lô 5.2 và 5.3) vẫn còn trong vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam, cách đường cơ bản 350km.

Trước mắt mọi người (thế giới), thái độ của Trung Quốc cực kỳ ngang ngược. Nhưng không phải việc này chỉ thể hiện mới đây. Nước này, công bố năm 1949, bộ bản đồ xác định biển nội địa của Trung Quốc – tức tấm bản đồ 9 gạch – cho thấy rõ rệt tham vọng bành trướng của họ. Qua đó họ ngang nhiên dành toàn bộ biển Đông, gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà không theo một tiêu chuẩn lịch sử hay pháp lý nào. Ở nhiều nơi, đường xác định nội hải của Trung Quốc chỉ cách bờ biển VN, Phi, Mã Lai khoảng 100km. Đường xác định này cũng bao gồm luôn đảo Natuna, phía nam Trường Sa, thuộc chủ quyền của Nam Dương. Không một quốc gia văn minh nào có thể công nhận thái độ ngang ngược này của Trung Quốc vì nó không theo một tập quán hay luật lệ quốc tế nào. Riêng các nước bị Trung Quốc lấn lướt nhận thấy có nhu cầu đoàn kết lại, nay đều thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cũng thuơng thuyết gia nhập từ năm 1992.

Tháng 6 năm 1996, Trung Quốc ký thông qua bộ luật Quốc Tế về Biển 1982 đồng thời công bố các vùng biển « lãnh địa hải phận », mer territoriale, VN gọi là « lãnh hải[4] », vùng tiếp cận zone contigue và vùng kinh tế độc quyền zone économique exclusive. Dịp này Trung Quốc công bố hệ thống đường cơ bản, trong đó có tập hợp 29 điểm xác định đường cơ bản cho vùng biển Hoàng Sa (13 điểm) và Trường Sa (16 điểm). Tọa độ các điểm được xác định theo phụ lục đính kèm. Ta thấy Trung Quốc áp dụng luật biển 1982 cho các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dành cho hai quần đảo này một vùng biển rộng lớn, gồm các vùng biển « lãnh địa hải phận », thềm lục địa và « vùng kinh tế độc quyền », bao gồm phần lớn biển Đông.

Chương V của Công Ước Quốc Tế Montégo Bay 1982 xác định vùng « kinh tế độc quyền ». Theo đó một nước cận biển có thể xác định vùng biển kinh tế độc quyền của mình, có chiều rộng 200 hải lý, tính từ đường rìa ngoài của vùng tiếp cận (nếu có) hay lãnh hải (12 hải lý). Nước này có thể khai thác kinh tế như đánh cá, khai thác tài nguyên dưới đáy biển thuộc vùng kinh tế độc quyền, đương nhiên phải tôn trọng một số luật lệ và tiêu chuẩn để bảo vệ quyền lợi các nước khác cũng như gìn giữ môi trường sống. Điều luật này cũng áp dụng cho các đảo ngoài khơi.

Trên phương diện pháp lý và lịch sử Trung Quốc không có thẩm quyền đòi chủ quyền vùng biển Đông, chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như thềm lục địa tại đây. Nhưng thực tế Trung Quốc luôn lên tiếng phản đối mỗi khi Việt Nam thăm dò hay dự định khai thác ở những vùng có thể có chồng lấn với vùng kinh tế độc quyền của các đảo thuộc Trường Sa. Nguyên nhân việc này là do các lãnh tụ vĩ đại (may mắn đã chết !) của CSVN đã có những tuyên bố ngu xuẩn, sai với lịch sử, trong các thập niên 50-60 về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa[5]. Họ cho rằng hai quần đảo này thuộc về Trung Quốc. Đương nhiên Trung Quốc lấy đó làm bằng chứng, biện minh trước quốc tế về các hành vi bành trướng của mình.

Nhưng vấn đề khác được đặt ra : các đảo thuộc Trường Sa có được nhìn nhận là đảo[6] theo luật biển 1982 hay không để mà có thềm lục địa hay vùng kinh tế độc quyền ? Hầu hết các đảo ở Trường Sa đều rất nhỏ, không có nước ngọt, không cây cối, phần lớn bị ngập khi thủy triều lên. Ngay cả một số đảo khác có cây cối và nước ngọt, như đảo Ba Bình, Loai Ta, Thị Tứ… cũng không thể có một nền kinh tế tự túc theo định nghĩa về đảo của luật biển 1982. Các đảo mà Trung Quốc hiện kiểm soát không có « đảo » nào có cây cối và nước ngọt. Như thế các « đảo » này chưa đủ tiêu chuẩn để có lãnh địa hải phận (lãnh hải), vùng kinh tế độc quyền như các đảo bình thường khác được[7].

Nếu các đảo này không được quyền có vùng biển, không có thềm lục địa kéo ra tới 200 hải lý thì làm gì có vấn đề chồng lấn ?

Các lô khai thác của BP vừa qua và ExxonMobil nằm trong vùng « kinh tế độc quyền » của Việt Nam, khoảng giữa đất liền và trung tâm quần đảo Trường Sa, cách xa Trung Quốc hàng ngàn km. Nhưng Trung Quốc vẫn ngang ngược cho rằng vùng đó thuộc về họ.

Tình hình như thế vô cùng bất lợi cho phía Việt Nam. Việt Nam được ví như được ngồi trên đống của nhưng bị anh hàng xóm khốn nạn chỉa súng đòi chia nên không thể móc ra tiêu xài. Việc khó khăn này, nếu không tìm giải pháp thoát ra, sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi nào chủ quyền của các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được giải quyết. Không nước nào có thể khai thác tài nguyên ở thềm lục địa Trường Sa nếu chủ quyền các đảo tại đây chưa được xác định và được nhìn nhận bởi các bên. Vấn đề « cộng đồng khai thác » đã được nêu ra, nhưng sẽ khó thực hiện. Vả lại, nếu thực hiện thì phía thiệt thòi vẫn là Việt Nam. Việc tranh chấp có thể kéo dài thêm nhiều thập niên, vẫn giữ « nguyên trạng », nếu các bên tranh chấp vẫn tôn trọng Qui Tắc Hành Sử Biển Đông đã được các nước ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002. Nhưng việc kéo dài thời gian lại có lợi cho Trung Quốc. Với thời gian, chỉ cần một, hai thập niên nữa, sự lớn mạnh của Trung Quốc không những chỉ dễ dàng thâu tóm biển Đông mà còn đặt được ảnh hưởng của mình đến các nước trong khu vực.

« Càng để lâu càng khó », câu nói của ông Lê Công Phụng ám chỉ việc phân định vịnh Bắc Bộ, xem ra cũng đúng cho biển Đông !

Vì thế phải có một giải pháp. Việt Nam phải làm thế nào, trước tình trạng hiện nay, để có thể khai thác, ít ra một phần, ở những vùng biển thuộc vùng kinh tế độc quyền của nước mình ? Giải pháp nào có lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết chủ quyền các đảo và hải phận biển Đông ?

Những vấn đề này đáng lẽ ít phức tạp cho Việt Nam nếu như các lãnh tụ vĩ đại ở miền Bắc đó không hiện hữu, hay không tuyên bố những lời bất lợi. Ít phức tạp chứ không phải không phức tạp là vì phía VNCH đã không giữ được Hoàng Sa tháng giêng năm 1974, trước sự xâm lăng của Trung Quốc, cũng như đã không giữ được các đảo Thị Tứ, Song Tử Đông, Vĩnh Viễn, Loai Ta… thuộc Trường Sa vào các năm 1968, 1972… do sự xâm chiếm của quân đội Phi Luật Tân. Đây là các đảo hiếm hoi có nước ngọt thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, theo luật quốc tế thì một vùng đất (hay biển) của một quốc gia có được do một cuộc xâm lăng thì chủ quyền vùng đất không được công nhận cho nước đó. Quân đội VNCH đã đổ máu để giữ nước nhưng không thành, như thế dầu sao cũng ít trách nhiệm hơn việc tuyên bố chủ quyền của ngoại bang trên vùng đất của tổ quốc mình.

Vấn đề của đất nước đặt ra như thế thì ta phải tìm phương hướng giải quyết có lợi trên nhưng điều kiện như thế. Thất phu hữu trách, người viết xin đưa ra đây một số ý kiến :

Các yếu tố xét ra có lợi cho Việt Nam, đó là : 1/ VN tôn trọng các công ước quốc tế mà VN có ký kết. 2/ Vận động quốc tế ủng hộ lập trường về biển của VN tại biển Đông. 3/ Trong trung hạn là khai thác vùng biển và thềm lục địa của VN đã được quốc tế công nhận (hay không phản đối). 4/ Về dài hạn là củng cố quốc phòng, liên minh chiến lược với bạn bè quốc tế có cùng chung quyền lợi để đối trọng với Trung Quốc. 5/ Tiến đến việc đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế.

1/ Việt Nam nên chinh phục cảm tình các nước bằng một thái độ gương mẫu của một quốc gia biết tôn trọng và có trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Việc này biểu hiện qua việc tôn trọng các bộ luật, các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam có ký kết. Trước tiên là Luật Quốc Tế về Biển 1982 và Qui Tắc Hành Sử Biển Đông 2002, hai công ước quốc tế mà Việt Nam long trọng ký kết. Nội dung của Qui Tắc Hành Sử Biển Đông 2002 yêu cầu các bên không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, các bên tránh làm các việc có thể thay đổi « nguyên trạng » tình hình các đảo, ngưng khảo sát và khai thác v.v… Tôn trọng nội dung của nó là Việt Nam khôn khéo sử dụng công pháp quốc tế để bảo vệ mình trước sự bành trướng hung hãn của Trung Quốc. Nhưng VN cũng nên đứng đắn tôn trọng các tiêu chuẩn về nhân quyền mà bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền định nghĩa. VN nên chứng minh rằng mình có nhận thức khác với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Việc này rất có lợi vì nó phù hợp với nguyện vọng của người dân và bạn bè Tây Phương.

2/ Ngoại giao sẽ là việc quan trọng nhất.

Hệ thống đường cơ bản của Việt Nam công bố vào tháng 6 năm 1977, được xác định bằng các đường thẳng nối 12 điểm cơ bản từ A0 đến A11, trước khi công ước Montégo Bay 1982 được ký kết. Điểm bắt đầu A0 là điểm xác định chung với Kampuchia sau này, trong vịnh Thái Lan và điểm chấm dứt A11 là đảo Cồn Cỏ, ở cửa vịnh Bắc Việt. Dầu vậy hệ thống đường cơ bản của Việt Nam phù hợp với bộ luật biển 1982. Vào thời điểm đó đã có trên 100 nước công bố luật biển của mình, trong đó có đến 45 nước lấy đường thẳng làm đường cơ bản. Hệ thống đường cơ bản của VN, ở một số điểm thì cách bờ quá xa. Thí dụ các điểm A1 cách bờ 56 hải lý, A3 cách 52 hải lý, A4 cách 53 hải lý, A6 cách 74 hải lý… Những điểm này rõ ràng « không bình thường », nhưng chiếu theo tinh thần điều 7 của bộ luật biển 1982 thì các điểm trên không hề mâu thuẩn. Mặt khác, tập quán quốc tế cho thấy có nhiều trường hợp đường cơ bản còn cách xa bờ hơn cả Việt Nam. Chỉ nói các nước trong vùng, trường hợp Mã Lai, đường cơ bản nưóc này có nơi cách bờ đến 85 hải lý. Trường hợp Miến Điện, nước này vạch một đường cơ bản dài 220 hải lý, có nơi cách bờ đến 120 hải lý. Riêng Thái Lan thì đường cơ bản cách bờ có nơi đến 60 hải lý. Như thế thì đường cơ bản của Việt Nam không phải là một trường hợp đặt biệt, phải đặt lại vấn đề.

Hệ thống đường cơ bản của Việt Nam vì thế phù hợp với luật biển 1982 và tập quán quốc tế. Tuy nhiên vào thời điểm 1977, do thái độ thù nghịch của Việt Nam đối với thế giới, đã có 10 nước gởi công hàm phản đối Việt Nam về đường cơ bản của Việt Nam. Trong đó có các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Mã Lai, Tân Gia Ba… Nhưng tình hình hôm nay thuận lợi hơn. Việt Nam mở cửa giao thiệp với bạn bè năm châu, không còn là « mũi nhọn xung kích » hung hăng của quốc tế cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ khá tốt với Hoa Kỳ. Các lãnh tụ CSVN hôm nay xem ra sáng suốt hơn các vị lãnh đạo gọi là vĩ đại ngày xưa vì ít ra họ đã làm những việc có lợi về lâu dài cho VN. Thật vậy, phải nhìn nhận ông Nguyễn Tấn Dũng, dầu rất bết bát trong các chính sách vĩ mô, đem lại hậu quả tai hại cho kinh tế và phát triển Việt Nam hiện nay, nhưng ông Dũng đã có những đột phá rất mới về ngoại giao, đem lợi lâu dài cho Việt Nam, nhất là mở đường cho Việt Nam có thể khai thác những vùng biển mà từ trưóc đến nay đã bị Trung Quốc cản trở.

Ở đây tác giả muốn trở lại một chi tiết quan trọng trong bản tuyên bố chung giữa VN và Hoa Kỳ nhân chuyến đi của ông Dũng vào cuối tháng 6 năm 2008. Đó là chi tiết « Hoa Kỳ tôn trọng và ủng hộ việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ». Đã có nhiều tác giả đã viết báo bình luận và phân tích chi tiết này nhưng chưa thấy ai đặt vấn đề là Hoa Kỳ « ủng hộ » thế nào và lãnh thổ Việt Nam được Hoa Kỳ quan niệm ra sao ?

Việc « tôn trọng và ủng hộ » của Hoa Kỳ về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nên hiểu là Hoa Kỳ không can thiệp nhằm chia cắt VN, không ủng hộ các lực lượng ly khai tại Việt Nam. Vấn đề sẽ tế nhị hơn, nếu một nước nào đó chiếm đóng một phần lãnh thổ của VN, thái độ « ủng hộ » của Hoa Kỳ sẽ như thế nào ? Mặt khác, cũng quan trọng không kém, Hoa Kỳ công nhận lãnh thổ của Việt Nam trên căn bản nào ?

Các vấn đề này sẽ thay đổi, có lợi hay có hại cho VN tùy thuộc vào mối tương giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong tương lai. Nhưng trước mắt, qua các thỏa thuận đã ký kết giữa ExxonMobil và PetroVietNam, cũng như các tuyên bố của các nhân vật ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam, ta có thể đoán rằng Hoa Kỳ đã công nhận « lãnh thổ » của Việt Nam với hệ thống đường cơ bản 1977.

Địa điểm khai thác của ExxonMobil nằm trên thềm lục địa, trong vùng kinh tế độc quyền của VN. Do đường cơ bản của VN cách bờ vùng này đến 74 hải lý, nếu tính cả bề dày hải phận và vùng tiếp cận, vùng biển VN mở ra đến 298 hải lý, tức khoảng 550 cây số thay vì 224 hải lý (414km). Hoa Kỳ có thể đã công nhận lãnh thổ Việt Nam trên tinh thần này, nếu không thì vấn đề khai thác của ExxonMobil đã không được xúc tiến.

Việt Nam vì thế mới mạnh dạn phản đối Trung Quốc và dám tuyên bố sẵn sàng dùng mọi biện pháp để bảo vệ các tập đoàn khai thác hợp pháp trên lãnh thổ của mình. Trung Quốc tức giận lắm nhưng không làm gì được vì tập đoàn khai thác ExxonMobil là của Hoa Kỳ chứ không phải là BP của Anh, dễ bắt nạt. Anh Quốc vì còn nhiều quyền lợi ở Hồng Kông, không dám đương đầu vì sợ thiệt hại kinh tế.

Ngoài ra ý nghĩa lơ lững của sự « ủng hộ » của Hoa Kỳ cũng khiến cho Trung Quốc không dám làm bậy.

Theo tình hình hiện nay người viết lạc quan cho rằng không còn mấy nước còn lý do để phản đối hệ thống đường cơ bản của Việt Nam.

Đối với Thái Lan thì cả hai nước đều có hệ thống đường cơ bản tương đồng, vì thế khó mà phản bác lẫn nhau. Vùng biển giữa hai nước có một vùng chồng lấn khoảng 6.500km². Theo tin trong nước thì VN nhượng cho Thái Lan 70%, VN 30%. Nhưng việc tương nhượng này phải được đền bù xứng đáng. Thái Lan có rút lại công hàm phản đối của mình hay chưa?

Đối với Mã Lai thì hệ thống đường cơ bản của nước này có nơi cách bờ biển đến 85 hải lý, vì thế cũng không có lý do phản đối hệ thống đường cơ bản của VN. Vùng chồng lấn giữa hai nước hiện nay đã được giải quyết theo cách “cộng đồng khai thác”. Mã Lai không còn lý do để làm khó VN.

Các nước như Anh, Nhật Bản, Pháp, Đức, Úc… không có thiệt hại gì do hiệu quả của đường cơ bản VN. Việc chống đối từ năm 1977 là do nguyên nhân ý thức hệ hơn là kinh tế. Hiện nay thời thế thay đổi, Việt Nam đã thay đổi và đang trở thành đối tác tốt với các nước này. Việc rút lại các công hàm phản đối chỉ còn là một vấn đề của ngoại giao.

3/ Khi đã có được ủng hộ của các nước về quan điểm hệ thống đường cơ bản, việc này đương nhiên dẫn tới việc công nhận các vùng biển cũng như thềm lục địa của VN. Bây giờ VN mới có thể cho đấu thầu khai thác dầu khí trong vùng hải phận kinh tế độc quyền của mình và ưu tiên cho Hoa Kỳ hay các nước đã nhìn nhận hệ thống đường cơ bản của VN. Đây có lẽ là việc mà VN đang thực hiện.

Việt Nam cũng nên thiết lập một hồ sơ kéo dài thềm lục địa, đến 350 hải lý, phù hợp với tinh thần của công ước Biển 1982, sau đó nộp cho Commission on the Limits of the Continental Shelf thuộc Liên Hiệp Quốc, trước tháng 5 năm 2009. Ở điểm này VN có lợi hơn các nước khác trong vùng vì thềm lục địa của VN lài, là phần kéo dài của lục địa.

Việc làm trên cũng nhằm “vô hiệu hóa” ảnh hưởng các đảo Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng. Việt Nam có lý do để đòi hỏi các đảo này không được hưởng các qui chế đã ấn định cho luật biển 1982. Trường hợp các đảo Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ… không được gì cả là thí dụ.

Đối với Phi và Mã Lai, VN có đầy đủ hồ sơ chứng minh các đảo mà các nước này chiếm đóng tại Trường Sa là của VN. Giải pháp cũng sẽ là một trọng tài quốc tế hoặc là một trao đổi mà các bên đều có lợi.

Phần biển VN do đó sẽ lớn hơn tất cả các nước trong vùng, vì thuận lợi địa lý như chiều dài, do hệ thống đường cơ bản, do thềm lục địa mở ra thuận lợi không có hố sâu chặn lại như các nước khác… Đương nhiên là sẽ không quan trọng bằng nếu như Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VN. Nhưng trước mắt Việt Nam có thể khai thác vùng biển của mình đồng thời ngăn chận được tham vọng vô lý của Trung Quốc.

Việc phản đối hay đe dọa của Trung Quốc chắc chắn sẽ có nhưng không còn quan trọng. Lý lẻ của Trung Quốc sẽ là Việt Nam khai thác trên một vùng có chồng lấn với thềm lục địa của các đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền. Nhân việc này VN nên đề nghị Trung Quốc đưa ra một tòa án phân xử. Việc này hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc vì họ không có bằng chứng nào chứng minh chủ quyền của họ ngoài các tuyên bố không có giá trị của các lãnh tụ CSVN trong quá khứ.

Nếu Trung Quốc khai thác ở Trường Sa thì nước này không tôn trọng luật biển 1982 và Qui Tắc Hành Sử 2002. Trung Quốc không có lý do gì để kéo dài thềm lục địa của họ ra đến đây. Các đảo họ chiếm của Việt Nam thì đang trong vòng tranh chấp, vả lại, các đảo này không thể có vùng kinh tế độc quyền hay thềm lục địa. Việt Nam cần phải liên minh chặt chẽ với Phi và các nước khác để phản đối, làm áp lực đưa vấn đề ra một tòa án quốc tế.

Một ghi nhận, đặc điểm các nước sản xuất dầu trên thế giới ngoài APEC, ngoại trừ nước Anh và Na Uy, mỗi khi nước đó khám phá được một mỏ dầu có tầm quan trọng về kinh tế, trở thành một nước sản xuất dầu, các nước đó đều xảy ra hổn hoạn. Việt Nam là một nước kém phát triển, tâm lý bầy đàn vẫn còn phổ cập, vì thế dễ xảy ra các việc tranh dành quyền lợi. Quốc hội VN nên thông qua một bộ luật về tài nguyên quốc gia. Nên lập ra một ủy ban quản lý tài nguyên quốc gia, nhân sự ủy ban này do quốc hội bổ nhiệm và có tránh nhiệm trước quốc hội, làm việc định kỳ.

4/ Về vấn đề quốc phòng, trước hết là các đảo Trường Sa vẫn còn do VN kiểm soát thì phải củng cố thêm quân sự. Bộ Quốc Phòng thường xuyên ủy lạo, thăm viếng các chiến sĩ trú đóng tại các đảo. Phải cho các binh sĩ này hưởng một ngạch lương đặc biệt, xứng đáng với sự hy sinh và gian khổ của họ.

Riêng về sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, nhất là về phương diện hải quân, Việt Nam là nước nên lo ngại hơn ai hết.

Về phía bắc, Trung Quốc tiếp giáp với Nga, không dễ dàng bành trướng. Phía tây là núi non hiểm trở, sa mạc cằn khô, khí hậu khắc nghiệt. Ở đó có các xứ Trung Á vốn thuộc vùng ảnh hưởng của Nga, ngoài ra còn có Ấn Độ, xứ có thể đối trọng với TQ, phía tây nam. Phía đông là Đại Hàn và Nhật Bản, hai đồng minh của Hoa Kỳ. Vấn đề bành trướng của Trung Quốc không đặt ra. Chỉ có phía nam, toàn vùng biển Đông và khu vực Đông Nam Á là không gian bành trướng của Trung Quốc. Vị trí của VN đối với Trung Quốc cực kỳ quan trọng. Không đặt được Việt Nam vào vòng ảnh hưởng của mình thì Trung Quốc sẽ không trở thành một cường quốc đúng nghĩa. Việt Nam vì thế là mục tiêu chính để cho Trung Quốc vũ trang. Vấn đề Đài Loan chỉ là một cái cớ.

Giải pháp cho Việt Nam phải là liên minh chiến lược với các nước có cùng mối lo ngại về sự trổi dậy của Trung Quốc. Việt Nam thực sự mạnh, có liên minh chiến lược với các cường quốc, chắc chắn sẽ « đóng khung » Trung Quốc.

Trung Quốc nên hiểu rằng, nếu chuốc thù gây oán với VN thì TQ sẽ vô cùng bất lợi. Việt Nam sẽ luôn luôn là ác mộng, sẽ vĩnh viễn là trở ngại cho mọi phát triển của TQ trong tương lai. Việc này sẽ đưa Trung Quốc về thời trước 1979. Những hăm dọa qua hình thức các bài báo trên sina.com hiện nay đều không có ý nghĩa. Hàng ngàn năm nay, Việt Nam chưa bao giờ « sợ » Trung Quốc cả. Vì thế, Trung Quốc cần thay đổi thái độ, phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải lấy lòng VN. Đây là một thái độ khôn ngoan mà Trung Quốc cần có. Bởi vì TQ cần VN mà VN không hề cần TQ. Có ý thức như vậy thì TQ mới hy vọng xưng hùng xưng bá với các nước được.

5/ VN phải vận động các nước lớn ủng hộ chủ quyền của mình ở HS và TS. Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa chỉ nên giải quyết bằng con đường pháp lý, qua một tòa án quốc tế. Nhưng đó sẽ là việc về lâu dài. Thời gian sẽ không còn là kẻ thù của VN nữa nếu các điều kiện trên được thực hiện.

Kết luận : Tóm lại, việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc thể hiện qua vụ ExxonMobil vừa qua cho thấy Việt Nam đã một phần lấy lại được tư thế trong việc hành sử quyền chủ quyền của mình ở vùng kinh tế độc quyền. Công lao ở đây là do chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng đã thành công trong việc « vớt vát » được chút nào hay chút nấy quyền lợi của Việt Nam ở biển Đông mà các lãnh tụ gọi là vĩ đại của CSVN đã đem dâng cho Trung Quốc. Của đổ hốt lên được như thế cũng là khá lắm. Nhưng ông Dũng sẽ còn khá hơn, lập công to cho đất nước, nếu ông có một quyết định mạnh và thông minh để thay đổi hẵn bộ mặt của Việt Nam.

Thiết lập được quan hệ với Hoa Kỳ là điều tốt, cũng như quan hệ với các nước khác. Thuyết phục được Hoa Kỳ cũng như các nước công nhận và ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam là điều giỏi, ít ai trong chế độ hiện nay làm được. Nhưng điều cần ý thức rằng Việt Nam phải mạnh. Mạnh thật sự từ ý chí cho đến thể chất mới có thể vừa phát triển vừa giữ được nước, chống được Trung Quốc trong dài hạn. Việc này không thể nào thực hiện nếu các thành phần dân tộc Việt Nam vẫn còn thù nghịch với nhau, mỗi người dân đều có thể là một « dân oan », người dân vẫn xem đảng cầm quyền là « giặc nội xâm ». Chỉ có một chính sách đứng đắn về hòa giải và hòa hợp dân tộc mới có thể hóa giải những mâu thuẫn này và chỉ có một chính phủ do dân thật sự bầu ra mới có thể bảo đảm tính chính thống cũng như sự đứng đắn cho chính sách đó. Các chính sách mị dân, các nghị quyết, như nghị quyết 36, sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ che dấu vấn đề. Trong khi đó càng để lâu thì những mâu thuẫn tích lũy, càng làm cho dân tộc này thêm phân hóa. Ông Dũng thừa khả năng, đã mở những bước đầu, ông có dám buớc thêm những bước nữa hay không ?

Trương Nhân Tuấn

Bình luận về bài viết này