Noob Weblog

“Thịt chim rất ngon rất ngon nhưng muốn bảo vệ chim thì phải cố nhịn”

Posted by noob trên Tháng Mười 29, 2008

Hà Nội trở lạnh. Làn gió hanh heo và những cơn giông dữ dội như kéo mọi người về nhà nhanh hơn. Nhưng ở điểm chờ xe buýt trên con dốc nhỏ gần Bách Thảo, có một em bé tiểu học cứ đứng nhìn chăm chăm vào người bán chim bên đường. Tôi bị ấn tượng mãi bởi dáng đứng bất động và ánh nhìn trẻ thơ nhưng gợi lên biết bao niềm thương xót với những con chim bé nhỏ bị vặt trụi lông ấy.



Chú chim nhỏ này cũng trần trụi, bơ vơ giống như một đứa trẻ Ảnh: Lưu Sơn

Cái nhìn của trẻ thơ bao giờ cũng là trung thực nhất. Từ lúc bắt gặp hình ảnh em bé ấy, chúng tôi quyết định dùng chiếc máy ảnh kĩ thuật số ghi lại những hình ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám và đem chiếu cho các em xem. Rất may mắn, chúng tôi đến trường Tiểu học Chu Văn An giữa lúc các em đang tập các chương trình văn nghệ để chào mừng ngày 20/11. Khi biết sẽ được xem một bộ phim ngắn về các loài chim em nào cũng tỏ ra thích thú, thoáng một chút e ngại khi đọc được những hào hứng ấy trên nét mặt của các em, chúng tôi lo rằng những hình ảnh này có thể sẽ khiến các em thất vọng.

Ban đầu, khi đưa ra một số câu hỏi “Các em có yêu quý loài chim không?” hay “Các em có thích nghe chim hót không?” tất cả các em đều trả lời “có”. Chúng tôi lại tiếp tục đưa ra một số câu hỏi nữa “các em đã bao giờ ăn thịt chim chưa?” thì có khoảng 70% trả lời đã ăn rồi và thịt chúng rất ngon, số còn lại thì nói rằng không biết hoặc không nhớ.

Sau đó các em được xem một bộ phim ngắn phản ánh tình trạng mua bán chim trên đường Hoàng Hoa Thám và một số cảnh chế biến chim. Bộ phim tuy chỉ dài chưa đầy 5 phút nhưng chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Đầu tiên là cảnh những người bán sẵn sàng nướng sống chim ngay bên vệ đường để chiều lòng những thực khách phàm ăn nhưng ngại mó tay vào làm. Giữa những ồn ào của phố xá vẫn nghe rõ tiếng kêu chiêm chiếp đầy thảng thốt, đau đớn của những chú chim tôi nghiệp cùng hình ảnh ánh lửa đóm cháy bập bùng. Sau công đoạn chế biến, khách bắt đầu bỏ thịt chim ra đánh chén, họ ngồi ăn vô tư và ngon lành giữa những ánh mắt tròn xoe, sợ sệt của đàn chim đã bị vặt trụi lông đang thoi thóp chờ chết. Không chỉ những chú sẻ, cút nhỏ bé tội nghiệp mới bị đem ra bầy bán mà đến cả loài đại bàng, chim ưng kiêu hãnh cũng được trưng ra đường, hai chân bị buộc vào gốc cây, các chú chỉ còn biết vẫy cánh giãy giụa. Bộ phim đã bị cắt tới gần một nửa vì chúng tôi sợ các em sẽ không chịu đựng nổi khi xem những cảnh tượng ghê rợn lúc người ta làm thịt chim.


Liệu trẻ sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những hình ảnh kinh khủng như thế này?
Ảnh: Lưu Sơn

Máy chiếu bật sáng, các em vừa nhí nhảnh nô đùa bỗng lặng đi vì những gì mình đang chứng kiến. Có những ánh mắt tức giận của các bé trai, có những cái nhìn xót xa của các bé gái, nhưng tất cả đều thật buồn. Thỉnh thoảng xen lẫn những tiếng xuýt xoa “ghê thật đấy!”, “ôi đáng thương quá!” là giọng thút thít của một em nào nghe như đang chực khóc. Màn hình máy chiếu đã tắt ngóm, nhưng trong căn phòng nhỏ vẫn im bặt. Phải mất một lúc sau mới ồn ã trở lại. Các em tranh nhau bình phẩm về bộ phim rất sôi nổi.

Dưới đây là những tâm sự của các em sau khi xem xong bộ phim ấy.

Cháu có nhận ra đoạn phim này quay ở đâu không?

Nguyễn Thị Hồng Phượng (lớp 5A): Có chứ ạ, chỗ này ngay gần cổng Bách Thảo mà. ngày nào cháu cũng đi qua đấy, thỉnh thoảng mẹ cháu còn dừng lại hẳn để mua chim nữa cơ.

Nguyễn Việt Anh (lớp 3A): Có ạ. Đây là ở gần công viên Bách Thảo mà, ngày nào cháu cũng đi học qua đấy. Cháu thấy họ bán nhiều lắm, nhưng như thế không tốt cho người mua và cho cả chim nữa vì mẹ cháu bảo họ toàn lừa mình thôi, chẳng phải chim sẻ đâu mà toàn là chim cút, ăn không ngon.

Bộ phim các cháu vừa xem được quay ở ngay trên đường Hoàng Hoa Thám, gần trường các cháu đang học. Khi đi qua đấy chắc các cháu cũng hay để ý. Vậy xem xong phim rồi các cháu có cảm nghĩ gì?

Trần Ngọc Phương Linh Ảnh: Lưu Sơn
Nguyễn Việt Anh (trái) Ảnh: Lưu Sơn

Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Mẹ cháu cũng hay nướng gà nhưng gà nướng khi đã làm thịt rồi nên không còn sợ nữa. Chẳng ai lại đi nướng sống mấy con chim bé tẹo như thế này.

Nguyễn Việt Anh (lớp 3A): Cháu nghĩ không cần phải vặt trụi lông chúng như thế. Cứ như kiểu bị lột trần ra ấy. Chắc là chúng phải lạnh lắm. Cháu mặc nhiều áo thế mà vẫn còn thấy lạnh nữa là chúng.

Đặng Tú Uyên (lớp 3A): Sao mà mấy người thịt chim kia độc ác thế, mấy chú chim xinh thế kia mà người ta lại vặt lông. Nó có làm gì đâu hả chú?

Các cháu có thấy chú chim đại bàng bị xích chân vào gốc cây lúc nãy không? Thế các cháu nghĩ sao về việc người ta mua chim về rồi xích chân và nhốt chúng vào lồng?

Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Cháu nghĩ chim sinh ra không phải để làm cảnh, không được nhốt nó. Nhà cháu chỉ nuôi chim bồ câu thôi, nhưng không nhốt. Nó bay đi chơi rồi lại quay về vì nhớ nhà. Chắc mấy chú chim này cũng nhớ nhà của nó lắm.

Lúc nhìn người ta vặt trụi lông chim và đem đi nướng, cháu có thấy sợ không?

Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Cháu sợ lắm. Cháu mà có nhiều tiền, cháu sẽ mua hết và thả chúng ra.

Nguyễn Tuấn Nghĩa (lớp 3A): Đây là hành động phá hoại tự nhiên, làm như thế sẽ mất đi một mắt xích tự nhiên. Cô giáo cháu đã dạy thế.

Nguyễn Thị Hồng Phượng (hàng đầu, trái) cùng các bạn lớp 5A Ảnh: Lưu Sơn

Nguyễn Thị Hồng Phượng (lớp 5A): Mẹ cháu bảo có như thế mới biết được con nào béo, con nào gầy. Nhưng cháu vẫn thấy thương chúng lắm.

Vậy cháu sẽ làm gì để bảo vệ những chú chim bé nhỏ này?

Đặng Tú Uyên (lớp 3A): Mấy con chim này yếu quá, chắc chúng sắp chết rồi, cháu muốn mang chúng về nhà nuôi cho khỏi ốm rồi thả chúng ra. Cháu sẽ bảo mẹ cháu không bao giờ được mua chim về ăn nữa.

Nguyễn Tuấn Nghĩa (lớp 3A): Thịt chim rất ngon nhưng muốn bảo vệ chim thì phải cố nhịn. Từ nay mẹ cháu mua chim về, cháu sẽ không ăn con nào nữa.

Các cháu cũng đã thấy người ta đang vặt lông và giết thịt rất nhiều chú chim trong một ngày. Cháu có sợ người ta sẽ thịt hết chim không ?

Nguyễn Tuấn Nghĩa (lớp 3A): Thế thì cháu sẽ không còn được nhìn chim bay trên trời nữa. Chán thật đấy!

Nguyễn Việt Anh (lớp 3A): Cháu nghĩ giết thịt như thế thì chỉ một năm thôi là sẽ hết chim thôi.

Vậy cháu có buồn không nếu điều ấy xảy ra?

Trần Phương Ngọc Linh (lớp 3A): Vậy thì sẽ không còn chim để bắt sâu nữa, cháu ghét sâu lắm. Chúng sẽ ăn hết rau và hoa quả, như vậy các bác nông dân sẽ rất khổ.

Lê Quỳnh Anh – Ảnh: Lưu Sơn

Lê Quỳnh Anh (lớp 5A): Cháu sẽ rất buồn. Tiếng chim hót rất hay, nếu không còn tiếng chim nữa sẽ mất đi tiếng hòa bình.

Tiếng còi tập trung vang lên đã kết thúc cuộc trò chuyện ngắn giữa chúng tôi, các em vội vã xếp hàng để tiếp tục tập.

“…Bình minh lên/ có con chim non/ hòa tiếng hót véo von/ lòng mến yêu quê nhà…” Tiếng hát trẻ thơ cứ ngân lên mãi trên một góc sân trường khiến nhiều người đi qua chợt quay đầu lại mỉm cười. Nhưng đã bao giờ, những người lớn như chúng ta tự hỏi, với cái cách mà chúng ta đối xử với loài chim như hiện nay, liệu rằng mấy năm nữa con em chúng ta có còn được nhìn thấy những cánh chim chao liệng trên bầu trời hay chỉ đơn giản là lắng tai nghe một tiếng hót véo von để biết yêu thêm quê nhà?

Lại nhớ một em bé, sau khi xem xong đoạn phim ngắn của chúng tôi đã kể lại câu chuyện rất thật, rất ngây ngô thế này: Mùa bão năm ngoái, có một tổ chim gần nhà em bị rơi từ trên cao xuống. Em cũng nhặt được một chú chim không có lông hệt như thế này, nhưng không phải lông chim đã bị người ta vặt trụi mà là chim non, em ấy đã mang về nhà nuôi, ủ ấm cho nó, thậm chí còn đi bắt sâu về bón cho nó ăn mặc dù em rất sợ sâu nhưng nuôi mãi mà chim vẫn không lớn được, lông cũng chẳng mọc dài ra. Và chỉ sau đấy mấy ngày, chú chim ấy đã chết. Em bé ấy đã khóc rất nhiều và làm hẳn một đám ma cho chim còn mời cả mấy bạn hàng xóm đến dự.

Đến đây chúng tôi lại chợt nghĩ, ai sẽ là người làm đám ma cho những chú chim trụi lông xấu số trên đường kia, và nếu thế, một ngày sẽ có bao nhiêu đám ma cho xuể. Phải chăng lòng thương của chúng ta càng lớn càng mất dần đi cùng với những quần áo sang, xe đẹp, điện thoại đắt tiền… Cuối cùng, trải qua tất cả những va đập của cuộc đời, lòng nhân hậu của chúng ta có bằng con trẻ?

Bình luận về bài viết này